Phàm là người sưu tập
đồng hồ thì hễ thấy những chiếc đồng hồ cổ kính lại mang tên tuổi nổi tiếng là
đã bị cuốn hút rồi. Những chiếc đồng hồ giới sưu tập phải lòng dĩ nhiên vận
hành theo nguyên lý cơ khí thuần túy chứ có sự tham dự của kỹ nghệ điện hay công
nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn thì thường lắm.
Lần đó có công việc vào
thành phố Vinh, nói vào thành phố Vinh vì tôi sinh ra và sống ở Hà nội. Như mọi
dịp đi xa khác và như thói quen nhòm ngó của mọi kẻ sưu tập khác, tôi bỏ thời
gian rảnh rỗi lượn qua các cửa hàng bán đồng hồ và hiệu sửa chữa đồng hồ với hi
vọng vớ được món gì đó hay hay còn sót lại mà người đời không để ý hoặc không
biết tới.
Tại một tủ sửa chữa đồng
hồ kê lưu động ngay ngoài vỉa hè trên một con phố, tôi nhìn lướt qua hàng tá
đồng hồ cũ có, mới có treo, bày ngổn ngang trong tủ kính và dừng mắt nơi chiếc
đồng hồ cũ có những 4 chiếc kim mang mác hiệu Rolex. Chả cần là người sưu tập
đồng hồ thì cũng biết Rolex là nhãn hiệu rất nổi tiếng về sự sang trọng, đắt
tiền của Thụy sĩ và cũng biết luôn đây cũng là một trong những nhãn hiệu bị làm
giả rất nhiều. Tuy nhiên, chiếc kim thứ 4 so với đồng hồ thông thường chỉ có 3
kim gây sự chú ý cho tôi.
Sau tủ kính là môt người
thợ đang lúi húi sửa đồng hồ. Khi tôi đề nghị được xem chiếc đồng hồ ấy, ông ta
mới ngẩng đầu lên gỡ chiếc kính lúp trên mắt ra và nhìn tôi từ đầu đến chân rồi
lấy cho tôi xem. Chiếc đồng hồ khá cũ, đầy xước xát và rất đặc biệt bởi tính
năng có chuông báo thức. Vâng! Đồng hồ đeo tay, chạy hoàn toàn bằng vặn dây cót
cơ khí mang nhãn hiệu Rolex mà lại còn có chuông báo thức. Đáng để ý quá đi
chứ.
Qua trao đổi tôi biết
ông ta có ý định bán nó tuy hơi miễn cưỡng vì rằng - theo ông ta đây là chiếc
đồng hồ của khách đưa sửa, nhưng ông ta cũng nói thêm - người khách đưa sửa nó
đã vài năm nay mà không thấy quay lại. Hoặc người khách đó đã quên, hoặc thậm
chí người đó đã chết nên ông ta mới mạnh dạn bán nó. Tôi cũng cẩn thận lắm, Tôi
đòi ông ta mở nắp đáy để xem máy móc bên trong. Ông ta lại miễn cưỡng, vẻ miễn
cưỡng có vẻ như muốn nói: “Cậu có định mua thật không đấy mà cứ làm phiền tôi,
tôi không có nhiều thì giờ đâu, mà cậu có biết gì về đồng hồ không nhỉ?”
Rồi thì ông ta cũng mở
cho tôi xem bên trong nó. Mọi chi tiết đều tốt, vận hành ngon lành. Hết sức
đáng lưu tâm là trong máy, chiếc bánh xe hộp cót mang màu đặc biệt khác hẳn với
màu những chi tiết khác . Chiếc bánh xe ấy màu tím xanh ánh thép còn những chi
tiết khác là thép trắng. Qua sách báo, ảnh trên những tạp chí về đồng hồ mà tôi
cất công xem xét, qua câu chuyện bàn luận xung quanh đề tài đồng hồ với những
người sưu tập, thợ sửa và thợ buôn bán đồng hồ, từ lâu tôi được biết đồng hồ
Rolex mang một điều đặc biệt là có chiếc bánh xe hộp cót màu tím, còn tím ra
sao thì tôi chịu vì đến lúc đó tôi chưa từng được nhìn vào bên trong máy một
chiếc Rolex nào. Rolex mà lại là Rolex chuông. Tôi mở cờ trong lòng vì sự may
mắn ngẫu nhiên. Kiến thức về đồng hồ cho tôi biết một chiếc đồng hồ như vậy giá
trên thị trường quốc tế đắt lắm, mèng thì cũng sấp xỉ chục ngàn Đô la Mỹ. Tôi
cũng suy xét rất kỹ lưỡng về khả năng thật giả của nó nhưng chiếc bánh xe màu
tím như một bằng chứng khó bẻ gãy đưa nó nghiêng về phía thuyết phục tôi rằng
tôi ở hiền gặp lành, rằng tôi cũng có lúc gặp vận may như ai.
Lại nói kỹ về ông thợ,
ông bỏ rẻ cũng không dưới tám chục tuổi. Tóc ông bạc trắng cả, không còn sợi
nào màu đen. Câu chuyện qua lại cho tôi biết xưa ông còn là đối tượng phản động
đã từng bị đi tù hơn chục năm. Ông vì thế còn quan hệ rất gần gũi với các linh
mục Thiên chúa giáo. Chiếc đồng hồ ấy cũng của một linh mục một xứ đạo cách
Vinh vài chục cây số. Thời bế quan tỏa cảng cách đây vài chục năm thì giới chức
sắc nhà thờ Thiên chúa giáo vẫn duy trì quan hệ thường xuyên với thế giới
phương Tây và qua đó họ cũng hay có những chiếc đồng hồ quý thứ rất hiếm hoi
trong xã hội có mức sống, mức thu nhập còn thấp ở Việt nam. Những nhà truyền
giáo phương Tây là những người đầu tiên mang đồng hồ - sản phẩm đỉnh cao của
công nghệ một thời – vào Việt nam trên bước đường họ đi. Tất tật, từ chiếc bánh
xe tím một cách ma quái tới câu chuyện các con chiên của Đấng cứu thế vật ngã
sự đắn đo của tôi, thúc đẩy sự lưu tâm trong tôi chuyển biến thành quyết tâm sở
hữu.
Ngã giá. Cũng khá đắt
,nhưng so với giá một chiếc đồng hồ như thế trên các trang web bán đồng hồ cũ,
cổ thì thấp hơn dễ đến mấy chục lần. Tiền trao, cháo múc xong, ông thợ già nói
thêm như tâm tình: “Tôi cũng già rồi, nay sống mai chết, chả biết đâu, lại đang
đau ốm, đồng hồ nó như vậy, tôi chả biết gì hơn chú, thôi thì coi như cái lộc
Trời giúp lúc già, tôi bán đi để chút nữa đi mua thuốc”. Sau này tôi mới vỡ ra
rằng đấy là hành động rút ván khi đã qua cầu của tổ sư có mái đầu bạc ấy.
Trở về Hà nội, tôi mang
ngay chiếc đồng hồ có chuông kêu ri ri như con dế gọi bạn ấy cho đám thợ sửa
đồng hồ thân quen xem xét. Một người thợ rụt rè sau khi dùng lúp soi đi soi
lại: “Anh ơi! Em sợ chiếc đồng hồ này là đồ giả”. Tôi hơi hoang mang. “Nếu Anh
đồng ý , Em sẽ thử xem chiếc bánh xe này bằng thép tím thật hay nó được sơn màu
tím” . Tôi không thể nâng niu chiếc đồng hồ quý báu ấy trong mơ hồ được nên tôi
đồng ý sau một hồi nghĩ ngợi. Chiếc đồng hồ ấy hiện nguyên hình là thứ hàng
copy sau khi tay thợ đa nghi kia lấy dũa cào nhẹ vào một góc chiếc bánh xe tím
đầy vẻ thương hiệu.
Khá lâu sau cú trượt
chân ấy, tôi trở thành người am hiểu sâu sắc về đồng hồ và thế giới của nó tôi
mới biết rằng chiếc đồng hồ ấy nguyên là đồng hồ Liên xô made in CCCP đã được
các nghệ nhân tà tâm chuyển đổi xuất xứ, thương hiệu và còn làm cho nó cũ đi để
phù hợp với câu chuyện sẽ biến giá của nó nhân lên gấp bội. Thông minh hơn,
quái quỷ hơn, họ còn mang nó đến bày trận ở những nơi hẻo lánh ít thông thương
để ai đó hiểu biết nửa vời về đồng hồ sẽ có cảm giác nó không được phát hiện
bởi lẽ những người xung quanh đó chả hiểu biết gì về đồng hồ cả nên nó sót lại.
Vậy đấy! Bài học mà tôi
thu lượm được, à không! Tôi mua rất đắt chứ! là : tri thức không đầy đủ thì đi
chơi còn lỗ nữa là đi buôn. Thôi thì ông già 80 lừa đứa 40 có gì khó đâu, cũng
mấy khác tôi đi lừa đứa trẻ lên 3 mà thôi - tôi vẫn tự an ủi như vậy cho đỡ xót
tiền mua bài học giá trị đó.
0 comments:
Post a Comment