[ Tản mạn đam mê...]- CHƠI ĐỒNG HỒ: ĐỘC!

➤ Bài viết khá dài, chỉ dành cho ai muốn tìm hiểu thật sự
Giới chơi đồng hồ vốn truyền miệng nhau quy tắc sau:
- Hãy bắt đầu bằng Rolex
- Tiếp theo là những thương hiệu đồng hồ cơ khí nổi tiếng như Patek Philippe hoặc Vacheron Constantin hoặc Breguet.
- Và sau đó cuối cùng là những mẫu đồng hồ Độc, những mẫu đồng hồ theo ý thích – bất kể nó là hiệu gì.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng để tới được cái ngưỡng theo đuổi sự Độc theo ý thích bản thân thì những người chơi đồng hồ hoàn toàn không thiếu những Rolex $30.000, Patek Philippe Calatrava, càng chẳng thế thiếu V.C.
Ở Việt Nam, đồng hồ giống như một biểu tượng. Tôi biết một người. Anh có Corum, có Patek Philippe nhưng anh lại đeo ROLEX. Lý do của anh? Anh chia sẻ: “Mình đeo những cái kia, anh em bạn bè, đối tác cũng không nhiều người biết, khó làm ăn. Thôi, lại trở về với Rolex.”
Vậy, Rolex mặc nhiên là biểu tượng dành cho số đông. Nhưng khi cần một chiếc đồng hồ dành cho thiểu số quyền lực?
Người từng được coi là trùm của các ông trùm của miền Nam, Năm Cam khi ở thời kỳ đỉnh cao của quyền lực thường có thói quen ra khỏi nhà với một chiếc PATEK PHILIPPE...
Các doanh nhân lớn nhất Việt Nam đều sở hữu ít nhất một chiếc đồng hồ của thương hiệu này. Cụ thể, trên cổ tay của Bầu Kiên từng là một chiếc đồng hồ Patek Philippe Annual Calendar.
Hay tôi biết một doanh nhân kinh doanh đa ngành và một doanh nhân kinh doanh ngành vận tải đều có một bộ sưu tập Patek Philippe.
Người Việt chơi đồng hồ phụ thuộc khá nhiều vào nhóm những người xung quanh họ. Như anh bạn tôi chọn Rolex là bởi nhóm bạn của anh còn khá trẻ và đều là những doanh nhân đang trên đường thành đạt.
Nếu nói tới chữ Độc của cái thú chơi đồng hồ, nó được thể hiện ở rất nhiều cách khác nhau. Tôi được nghe kể một người sở hữu một chiếc đồng hồ nhưng do bởi phần gờ kính của chiếc đồng hồ này không được khảm nạm kim cương nên đã mang chiếc đồng hồ của mình sang Singapore và nhờ một thợ kim hoàn chế tác.
Nhưng, cũng có những người thích chơi những chiếc đồng hồ Độc thực sự.
Một giám đốc tỉnh Thanh Hoá từng đặt một chiếc đồng hồ cho bản thân mình. Vị giám đốc này sinh tuổi Mão nên mặt số của chiếc đồng hồ Speake-Marin ông đặt cho mình được trang trí với hình mặt một con mèo. Trên mặt ông có đặc điểm nhận dạng là một vết bớt. Tại vị trí tương tự trên mặt của con mèo trên mặt số cũng có vết bớt này.
Hay một vị doanh nhân từng cho tôi xem chiếc đồng hồ Bovet của anh. Cũng không có gì đặc biệt lắm ngoài 12 chữ cái nằm ở 12 cọc số, mỗi chữ cái là một chữ trong tên anh. Chính giữa mặt số là một con hắc mã – anh sinh năm Ngọ.
Cái giá cho chiếc đồng hồ năm Mão là một bí mật. Tương tự, cái giá cho chiếc đồng hồ năm Ngọ càng bí mật hơn.
Nhìn chung, người chơi đồng hồ, mỗi người lựa chọn một chiếc đồng hồ hoàn toàn bởi sở thích. Thế nên đừng dành thời gian để đi tìm lý do tại sao một người chọn Bovet mà không chọn Patek Philippe hay Vacheron Constantin. Cũng tương tự sẽ là không thể nếu muốn giải thích lý do một đại gia người Việt đã chi $1 triệu cho một chiếc Louis Moinet hai tourbillon. Liệu có ai đo đếm được sở thích bằng tiền!?
Vị tướng huyền thoại của đất nước chúng ta dành tình cảm cho thương hiệu Longines. Một số người Việt khác lại chỉ thích thương hiệu Omega – họ gọi Omega là Ôm Vĩnh Cửu. Người khác – dù tôi đã giới thiệu những thương hiệu khác – nhưng lại chỉ thích Patek Philippe. Hay có những người lại chỉ thích sự tinh tế của một chiếc H. Moser&Cie.
Có lẽ xin giải thích câu này bằng trích dẫn của chủ tịch của thương hiệu Longines khi ông trả lời phỏng vấn tôi: “ Đồng hồ biết tất cả nhưng đồng hồ không bao giờ nói gì cả.”
Chúng ta yêu đồng hồ, lựa chọn đồng hồ chỉ bởi ý thích cá nhân, bởi chúng ta cần một người bạn “biết tất cả nhưng không bao giờ nói gì cả.”
------
Bạn có nghĩ vậy?
( Theo WatchWow)

Không có văn bản thay thế tự động nào.
SHARE

Tác giả P/S

Xin chào! Các bạn đang ở blog cá nhân, chia sẻ niềm đam mê về những cỗ máy thời gian... Rất hân hạnh được phục vụ và chia sẻ niềm đam mê của mình.

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment